Trong khuôn khổ Diễn đàn sáng kiến sinh viên với chủ đề “Vươn ra biển lớn - Tự tin hội nhập” tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM vào sáng 4.11,ạisaongườitavừahọctốtvừathamgiaphongtràocònmìnhthìkhômu9 các diễn giả, sinh viên đã cùng thảo luận về vấn đề hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và lợi ích của phong trào "Sinh viên 5 tốt".
Từng tham gia nhiều hoạt động giao lưu quốc tế, chị Nguyễn Thị Châu Anh, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, chia sẻ: “Khi tham gia hoạt động, gặp bạn bè quốc tế, mình hiểu ra hội nhập phải gắn với tinh thần chủ động. Có những lúc mình e sợ khi giao tiếp ngoại ngữ với các bạn. Mình suy nghĩ là phải nói đúng, chuẩn chỉnh từng câu. Mình nhận thấy giao lưu quốc tế hay trong chính cuộc sống không cần lo lắng phải nghe và hiểu 100% ngoại ngữ thì mới giao tiếp được. Quá trình trò chuyện, cái nào nghe không rõ thì hỏi lại”.
Chia sẻ về việc hội nhập quốc tế cho sinh viên từ trải nghiệm của chính mình, thạc sĩ Trần Nhật Minh, nhạc trưởng, Trưởng đoàn Hợp xướng của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, cho biết cách đây vài tháng, anh cùng dàn nhạc giao hưởng TP.HCM được đi theo đoàn lãnh đạo Việt Nam sang nước Áo và Ý công tác. Thông thường khi đi giao lưu quốc tế, dàn nhạc sẽ mang âm nhạc của Việt Nam để quảng bá văn hóa dân tộc, nhưng lần này lại khác biệt. Dàn nhạc được giao nhiệm vụ biểu diễn nhạc giao hưởng ngay trên nơi sản sinh ra nhạc giao hưởng.
Anh Minh kể: “Tại chương trình biểu diễn, một vị lãnh đạo đã phát biểu có thông điệp rất hay. Vị lãnh đạo nói rằng việc chúng tôi mạnh dạn mang âm nhạc của các bạn đến đây để trình diễn cho quý vị nghe không phải so sánh ai hay hơn, tôi chỉ muốn cho mọi người thấy người Việt Nam có khả năng cảm thụ được âm nhạc cổ điển, cảm thụ chiều sâu âm nhạc văn hóa, lịch sử thế giới. Đây là cách hội nhập tốt nhất. Khi mà chúng ta cùng nói chung ngôn ngữ nghệ thuật thì sau đó cuộc nói chuyện về văn hóa, kinh tế, chính trị sẽ mềm mại hơn rất nhiều”.
Tại chương trình, khi thảo luận về sinh viên cần phải làm gì để hội nhập quốc tế, vươn ra biển lớn, Thái Nguyễn Đăng Khoa, Ủy viên Ban thư ký Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết: “Học viện là nơi đào tạo cán bộ viên chức, công chức để phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều người cho rằng hội nhập quốc tế nghe xa vời, không phù hợp với Hội Sinh viên của học viện. Quan điểm của Hội Sinh viên Học viện Cán bộ là khi tổ chức hoạt động tạo điều kiện để các bạn hoàn thiện về kỹ năng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, hội nhập quốc tế, kiến thức về ngoại giao... Từ đó giúp ích cho công việc sau này của sinh viên”.
Từng có cơ hội tham gia sự kiện giao lưu sinh viên quốc tế, Đăng Khoa cho biết thêm: “Mình yêu thích thơ lục bát nên khi tham gia chương trình, mình đọc bài thơ lục bát dịch ra tiếng Anh. Việc này sẽ giúp bạn bè nước ngoài tiếp cận, hiểu được nội dung câu thơ, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”.
Chị Châu Anh cho biết ngoài thảo luận về việc hội nhập quốc tế, chương trình còn là nơi chia sẻ những trăn trở của sinh viên về triển khai phong trào "Sinh viên 5 tốt", làm sao để thực hiện phong trào tốt hơn trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Anh Nguyễn Thành An, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2017, chia sẻ: “Lúc mới vào đại học, tôi muốn học tập thật vững chuyên môn, tốt nghiệp được bằng giỏi, tìm công việc có thu nhập ổn định. Sau khi tham gia phong trào "Sinh viên 5 tốt" tôi đã thay đổi suy nghĩ. Nhờ tham gia phong trào tôi mở rộng mối quan hệ, học hỏi nhiều điều bổ ích và có cơ hội giao lưu quốc tế”.
Anh Thành An khuyên sinh viên tham gia phong trào, hoạt động ngoại khóa để rèn luyện, phát triển kỹ năng, học hỏi kiến thức chứ không phải hoàn thành điểm rèn luyện, yêu cầu của nhà trường.
Anh Thành An nhận định: “Tôi không cổ xúy cho việc bỏ bê học tập đi tình nguyện, hoạt động phong trào mà để bị rớt môn, đóng tiền học lại. Tôi thường nói với sinh viên là tham gia bất cứ hoạt động nào phải đặt mục tiêu của mình là gì. Mục tiêu là để học tập chứ đừng vì điểm rèn luyện. Tại sao người ta vừa học tốt, vừa tham gia phong trào, còn mình thì không? Mình chưa cố gắng, học sai phương pháp, chưa biết cách quản lý thời gian hiệu quả”.